Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Học gì từ nền giáo dục Singapore?

Singapore, một đảo quốc nhỏ bé hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, thậm chí nước dùng hàng ngày cũng phải nhập khẩu… nhưng lại là một trong những nền kinh tế tiên tiến hàng đầu thế giới. Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu này? Phần lớn là nhờ nguồn nhân lực - nguồn tài nguyên quý giá và duy nhất của Singapore. Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM vừa tổ chức đoàn cán bộ quản lý và giáo viên tăng cường tiếng Anh đến tham quan và học hỏi các mô hình trường tiểu học tại Singapore. Chúng tôi đã ghi chép được nhiều điều thú vị từ chuyến đi này.

Xem thêm : Hệ thống giáo dục Singapore

Ưu tiên hàng đầu: Đầu tư cho giáo dục

    Đất đai ở Singapore là một tài sản vô cùng quý giá nhưng phần lớn số tài sản này dành cho các trường học. Bởi vậy, phần lớn người dân ở đây đều sống trong những căn hộ chung cư cao tầng vì chính phủ luôn ưu tiên đất đai để xây dựng trường học. Không những thế, học sinh (HS) của họ được chăm lo từng chút về không gian, môi trường học.
    Trường Rulang Primary có 58 lớp học, sĩ số trong mỗi lớp học chỉ có 30 em. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào trường là một sân chơi rộng rãi, thoáng mát và nhiều cây xanh. Trên mỗi bức tường ở ngoài hành lang phòng học đều có trưng bày ảnh và nội dung giới thiệu về lịch sử của ngôi trường, các đời hiệu trưởng, những mảng văn hóa đang tồn tại ở Singapore. Ngoài ra, còn có hình ảnh và nội dung giới thiệu những phẩm chất nổi bật của các vị  lãnh đạo đất nước trong quá khứ và hiện tại được tóm lược sinh động mà chỉ cần đọc qua, HS đều nắm được lịch sử đất nước và ngôi trường.
    Thầy Low Min Chye, Phó Hiệu trưởng Trường Rulang Primary cho biết: “Ngoài đầu tư cho kiến thức, tất cả những gì chúng tôi làm đều vì mục đích xây dựng lòng yêu nước cho giới trẻ Singapore, gắn kết các em với ngôi trường và quốc gia. Vì vậy, nhiều HS của trường sau khi đi học ở nước ngoài vẫn quay về nước làm việc”.
    Phòng tập đa năng của Trường Nanyang Primary.
    Ở Trường Tiểu học Nanyang Primary, ngôi trường 93 tuổi của Singapore được thành lập bởi cộng đồng người Hoa, tất cả HS được học tiếng Hoa và tiếng Anh. Phương châm của trường là tất cả HS phải nói được tiếng mẹ đẻ. Trường được Bộ Giáo dục Singapore đánh giá là lò đào tạo HS giỏi lớn nhất của Singapore. Kỹ năng giao tiếp là điều đầu tiên mà nhà trường đem đến cho từng HS, tiếp đến là làm chủ bản thân, giao tiếp cộng đồng…

    Chủ động chương trình giảng dạy

      Singapore có 160 trường tiểu học. Bậc tiểu học được coi là bậc học quan trọng của hệ thống giáo dục nên trẻ được học đến 6 năm. Trong đó, 4 năm học chương trình cơ sở từ lớp 1 đến lớp 4 và 2 năm học tiếp theo là chương trình định hướng từ lớp 5 đến lớp 6. Bộ Giáo dục cũng đưa ra chính sách “Giáo dục tích cực”, kêu gọi giáo viên xây dựng các chiến lược hiệu quả để kích thích tinh thần học tập của HS ngay từ khi các em mới bước chân vào trường học. Theo đó, các trường tiểu học sẽ cải thiện chương trình giảng dạy và phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục.
      Để hỗ trợ việc đổi mới giáo dục, Bộ Giáo dục Singapore cho phép các trường rút gọn chương trình giảng dạy tới 10% - 20% để tạo thời gian trống. Do đó, các giáo viên được tự do thực hiện các bài giảng do họ tự thiết kế, áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy. Bộ cũng giảm 2 giờ làm mỗi tuần cho mỗi giáo viên để có thêm thời gian lên kế hoạch giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.
      Tiếng Anh được coi là chìa khóa phát triển của Singapore. Trong giai đoạn nền tảng, chương trình học chính là tiếng Anh, ngôn ngữ mẹ đẻ và toán với các môn phụ như âm nhạc, nghệ thuật, thủ công, thể dục và các môn xã hội khác. Khoa học được dạy từ lớp 3. Để phát huy tối đa tiềm năng của HS, các em được xếp vào lớp theo khả năng của mình trước khi bước vào giai đoạn định hướng. Giai đoạn cuối lớp 6, các em phải qua kỳ thi hoàn tất tiểu học.
      Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Ngành giáo dục TPHCM đã tổ chức được 3 chuyến thực tế học tập tại Singapore. Hiện nay, TPHCM cũng đã có 67 trường tiểu học thực hiện theo mô hình tiên tiến hiện đại này. Kết quả học tập của học sinh cũng đã góp phần thúc đẩy tích cực mạnh mẽ đổi mới giáo dục tiểu học ở TPHCM. Hy vọng kết quả này sẽ lan tỏa đến các trường tiểu học khác trong TP”

      nguồn http://sggp.orgvn

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét

      Các bài viết khác